Bạn muốn tự chế biến món ăn để đảm bảo an toàn vệ sinh nhưng lại ngại nấu không ngon? Để luôn tự tin khi vào bếp làm nhiều món hấp dẫn đãi gia đình thì bạn hãy tham khảo các bí quyết nấu ăn ngon nhé!
Thực tế là bạn không nhất thiết phải đi học nấu ăn để trở thành một người nấu ăn giỏi hơn. Có rất nhiều điều dễ dàng bạn có thể làm mỗi khi nấu ăn để có kết quả tốt hơn. Dưới đây là 9 bí quyết nấu ăn ngon được tổng hợp từ ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nấu nướng, sẽ giúp bạn cải thiện khả năng nấu ăn một cách đáng kể.
1. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ nấu ăn
Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ nấu ăn cần thiết là bước đầu tiên để bạn có thể tạo nên các món ăn ngon. Đôi khi bạn không thể hoàn thành được một món ăn nào đó đúng cách, chỉ vì thiếu các dụng cụ. Các dụng cụ nấu ăn cần thiết mà đa số mọi người cần phải có là thớt, các loại dao, kéo, nồi, xoong, chảo…
Bạn cần chuẩn bị ít nhất 2 cái thớt để cắt riêng đồ chín và đồ sống. Để thuận tiện hơn thì bạn nên có thêm một thớt để cắt hoa quả, tránh để hoa quả bị nhiễm các mùi thức ăn khác như hành, tỏi.
Lưu ý là bạn nên mua các loại dao sắc để dễ dàng cắt gọt rau củ nhanh gọn với kích thước đều nhau để tránh tình trạng nấu chín không đều. Một gợi ý nữa là bạn nên có thớt lớn để có thể chuẩn bị các nguyên liệu nhanh chóng.
2. Sắp xếp không gian bếp gọn gàng
Không gian bếp gọn gàng, sạch sẽ giúp bạn đỡ phân tâm, dễ dàng lấy được thứ cần thiết khi nấu nướng và tránh trường hợp quên nêm nếm các gia vị cần thiết cho món ăn. Không gian nấu nướng nên có đủ ánh sáng cần thiết để bạn có thể nhìn rõ mọi vật dụng.
Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị một thùng đựng rác để có thể bỏ gọn rác thải thay vì để bừa bãi, mất vệ sinh. Những thứ như thùng chứa rác, chậu để bát bẩn nên được đặt trong tầm tay với của bạn để bạn có thể bỏ vỏ các phần rau củ không dùng đến như vỏ hành, vỏ tỏi… trong quá trình sơ chế.
Bạn có thể tiết kiệm không gian bằng cách đóng thêm các kệ đựng đồ dùng ở trên cao. Lưu ý là bạn nên sắp xếp mọi thứ có tổ chức và cố định, nhờ đó mỗi khi cần gì là bạn có thể tiết kiệm thời gian tìm kiếm.
3. Mua sắm thực phẩm hợp lý
Bạn nên tránh mua dư thừa hoặc thiếu nguyên liệu nấu ăn vì điều này sẽ khó đảm bảo sự thơm ngon cho món ăn. Ngoài ra, đồ ăn tươi sống thường mang lại được vị ngon miệng hơn là đồ ăn để lâu trong tủ lạnh. Điều này cũng giúp bạn dễ dàng chế biến thực phẩm an toàn cho sức khỏe hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn không có thời gian thì bạn cần lên kế hoạch mua sắm hợp lý trong tuần và đảm bảo sử dụng hết thực phẩm có sẵn. Bạn đi chợ sẽ nhanh hơn nhiều nếu bạn lên danh sách chi tiết những thứ bạn cần phải mua ở mỗi gian hàng.
Bạn nên tránh để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh mà không dùng đến. Hãy tham khảo các công thức nấu ăn để có thể ước lượng được các nguyên liệu thực phẩm cần sử dụng và mua sắm thực phẩm một cách hợp lý.
4. Dự trữ sẵn gia vị thường dùng
Khi đang nấu ăn mà cần gia vị nào đó nhưng bạn chẳng may bị hết đúng thứ gia vị ấy thì món ăn cũng khó lòng thơm ngon đúng vị. Do đó, nhằm tránh trường hợp đang nấu ăn mà hết gia vị nêm nếm thì bạn hãy mua sẵn đầy đủ gia vị như muối, đường… và có tủ cất riêng nhé. Các loại gia vị như mắm, muối, đường, bột ngọt, bột nêm… thường có hạn sử dụng khá lâu nên đây là những thứ bạn nên tích trữ sẵn trong nhà.
Mỗi khi bạn cần lấy loại gia vị nào ra dùng thì bạn hãy nhớ mua bổ sung loại gia vị đã dùng và bỏ vào chỗ cất gia vị dự trữ được quy định sẵn. Bạn cũng không nên dự trữ quá nhiều để tránh tình trạng gia vị hết hạn sử dụng.
5. Tận dụng gia vị từ thảo mộc
Các gia vị thảo mộc như tỏi, tiêu, củ hành, gừng… nên được tận dụng để thêm vào các loại món ăn theo công thức phù hợp vì sẽ làm gia tăng vị thơm ngon cho món ăn. Bạn không nên bỏ qua các loại gia vị này khi ướp thức ăn vì sẽ làm giảm mùi vị thức ăn đi nhiều.
Bạn nên nhớ rằng các gia vị thảo mộc không nên để quá lâu mà không sử dụng. Hãy để các gia vị thảo mộc ở gần tầm mắt để bạn không quên việc dùng đến cũng như bỏ và thay thế các gia vị thảo mộc mới sau một khoảng thời gian.
6. Đọc kỹ công thức trước khi nấu
Việc đọc công thức nấu ăn sẽ giúp bạn làm quen được với các món ăn mà bạn sẽ nấu đồng thời giúp bạn chuẩn bị được đầy đủ các nguyên liệu và các thành phần cần có. Nếu vừa đọc công thức vừa nấu ăn sẽ dễ dẫn đến tình trạng bối rối, đôi khi cháy thức ăn khi chưa kịp cho nguyên liệu khác vào.
Đọc kỹ công thức trước sẽ giúp bạn tránh được việc nấu các nguyên liệu sai trình tự, đặc biệt là không bị bỏ quên một gia vị nào đó hay nhiều thứ cần thiết khác khiến món ăn của bạn trở nên kém thơm ngon.
Bạn có thể tự gia giảm các gia vị sao cho phù hợp với khẩu vị như cho thêm những thứ bạn thích và bỏ bớt những thứ bạn không thích ăn. Tuy nhiên, để đảm bảo bạn sẽ thành công thì bạn nên làm đúng hướng dẫn khi mới bắt đầu.
7. Sơ chế nguyên liệu đúng cách
Sơ chế nguyên liệu là quá trình làm sạch, cắt thái, tẩm ướp, xay giã… biến nguyên liệu sang dạng bán thành phẩm để chuyển qua giai đoạn chế biến nhiệt. Dù là thực phẩm khô, rau củ quả tươi hay thịt động vật, hải sản… đều phải được sơ chế kỹ theo các nguyên tắc khác nhau để loại bỏ bụi bẩn, chất độc hại.
Sơ chế nguyên liệu đúng sẽ giúp làm sạch thực phẩm, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn, bảo vệ sức khỏe người dùng và bảo quản giá trị dinh dưỡng vốn có trong thực phẩm.
8. Tẩm ướp gia vị chuyên nghiệp
Tẩm ướp thực phẩm theo trình tự mặn – ngọt – thơm – cay – không mùi là trình tự tẩm ướp chuẩn; giúp gia vị thẩm thấu tốt và giúp món ăn có được hương vị mong muốn. Thời gian tẩm ướp tùy thuộc vào loại thực phẩm sử dụng. Do đó, bạn không nên áp dụng một thời lượng tẩm ướp khác nhau cho các món ăn không giống nhau.
Không chỉ vậy, một bữa ăn ngon không phải là các món ăn vừa với khẩu vị của người nấu mà còn cần khiến những người được thưởng thức cảm thấy hài lòng. Ngoài việc căn cứ vào khẩu vị chung, bạn cần lưu ý khẩu vị riêng của những người có mặt trong bữa ăn.
Có người thích ăn cay, người thích ăn chua, người lại thích ngọt. Thông qua việc hỏi han khẩu vị của mỗi người, những thứ mà họ không ăn được giúp bạn có thể khéo léo điều chỉnh và gia giảm gia vị cho phù hợp.
9. Thực hành nấu ăn thường xuyên
Trước khi bắt tay làm những món cần đầu tư nhiều công sức thì bạn nên bắt đầu bằng việc luyện tập thành thục cách nấu một món đơn giản. Điều này không chỉ nâng cao khả năng thành công của bạn mà còn giúp bạn tự tin hơn trong việc nấu nướng. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng, bạn sẽ ngày càng nấu ăn ngon hơn nếu thực hành thường xuyên và rút kinh nghiệm dần dần qua từng món ăn.
Khi cần chuẩn bị một bữa ăn, đầu tiên bạn hãy nghĩ đến những món đơn giản, dễ làm như: cá kho, trứng chiên hay những món salad rau xanh đơn giản. Sau đó, bạn sẽ nâng cấp bằng các món ăn đòi hỏi quy trình chế biến phức tạp hơn.
Nấu ăn ngon là một nghệ thuật và bạn cần thực hành thường xuyên để có được sự thành thạo, độ nhạy bén và kỹ năng khéo léo. Vì vậy, những bí quyết nấu ăn ngon trên đây chỉ là bước khởi đầu để giúp bạn dễ dàng có được bữa ăn ngon hơn. Điều quan trọng hơn cả là bạn cần phải nấu ăn thường xuyên và dành sự yêu thích công việc này để thực sự mang lại các món ăn giá trị cho gia đình mình nhé.